Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Những cách đơn giản giúp bé học toán

Bạn có thể dạy con học toán bằng cách đo chiều dài của các cây trong nhà. Đặt một cái thước bên ngoài chậu cây nhỏ và để bé quan sát, ghi lại sự phát triển từng ngày của cây.

Những trẻ gặp khó khăn với môn toán dường như không thể nhớ mình từng gặp vấn đề này dù đã làm đi làm lại. Sau đây, trang Childdevelopment đưa ra một số gợi ý bạn có thể làm để giúp bé học toán tốt hơn:
- Trước hết, bạn phải chắc chắn rằng bé có thể viết chính xác những con số. Thậm chí ngay cả khi có thể đếm được các số, trẻ vẫn có thể gặp khó khăn với môn toán. Bằng chứng là bé có thể viết ngược số. Bạn hãy cầm tay và dẫn bé viết những chữ số thật lớn. Và sau đó thử bịt mắt bé lại, vừa cầm tay con, bạn vừa nói cho con biết đang viết số nào.
- Nếu bé vẫn viết ngược số thì bạn hãy giúp con hiểu khái niệm "trái" và "phải" từ chính những bộ phận trên cơ thể bé. Việc nhầm lẫn giữa trái và phải cũng ảnh hưởng đến việc viết chữ ngược của trẻ.
- Ngoài ra, bạn có thể cùng con chơi các trò chơi liên quan đến các con số. Trước hết, bạn phải biết con mình có thể đếm thành thạo đến số bao nhiêu. Sau đó, bạn có thể hỏi con, chẳng hạn: "Sau số 7 là đến số nào nhỉ?" hay "Số nào đứng trước số 99?". Kỹ năng này sẽ giúp bé hiểu hơn về phép tính trừ và cộng.
- Khi ở nhà, bạn cố gắng tận dụng các con số trong việc hằng ngày. Chẳng hạn, "Susie, con mang 3 cái dĩa ra bàn nhé" hay "Billy, bàn tay của con có mấy ngón nhỉ?". Điều này sẽ tạo cho bé cơ hội để học đếm.
- Chơi những trò chơi tính điểm ở nhà. Hai bố mẹ có thể cùng nhau chơi một trò chơi, còn trẻ sẽ làm nhiệm vụ ghi lại điểm.
- Bạn hãy tạo cho bé cơ hội đo khoảng cách. "Con nghĩ là cái bàn này dài bao nhiêu nhỉ?" và sau đó bạn hãy đưa cho bé thước kẻ và phấn để bé tự đo. Việc cần đo chính xác đến từng milimet không phải là yếu tố quan trọng mà là con số. Ngoài ra, bạn có thể cùng con thực hành đo chiều dài của phòng hoặc tường dùng bàn tay, bước chân...
- Bạn cũng có thể dạy con cách đo chiều dài của cây cảnh trong nhà. Có rất nhiều bụi cây lớn nhanh trong bình. Bạn có thể đặt một cái thước bên ngoài chậu cây và để bé quan sát và ghi lại sự phát triển từng ngày của cây.
- Bạn có thể dạy bé cách xem giờ, trước hết là với đồng hồ chỉ có một kim. Bạn hãy sử dụng đồng hồ có ghi những con số. Bé có thể phân biệt được rõ "gần 11" hoặc "ở giữa số 9 và số 10" hoặc "sau số 7 một chút". Khi bé đã dần hiểu được khái niệm "trước", "sau", "gần" bạn có thể chuyển sang đồng hồ có hai kim.
- Có nhiều cách để giúp bé thực hành phép chia ở nhà. Bạn hãy để bé tập chia các thứ thành nhiều phần. Chẳng hạn, sau khi nướng bánh xong, bạn hãy để bé giúp bạn xem liệu mỗi đĩa có thể được chia mấy cái bánh. Cuối cùng, bạn hãy nói: "Đúng rồi, chúng ta có 21 cái bánh và 7 chiếc đĩa, nghĩa là mỗi người sẽ được 3 chiếc bánh vì 7 nhân 3 bằng 21".
- Bạn có thể dạy bé về một nửa, một phần tư, một phần ba... khi chia các thứ hằng ngày trong nhà. Chẳng hạn: "Mẹ con mình cùng cắt quả táo nào. Con được một nửa và mẹ cũng sẽ được một nửa quả".
Theo Vnexpress

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Mẹo để bé con học toán thông minh

Tập cho bé làm quen với thế giới toán học ngay từ khi bé bắt đầu biết chơi, biết nói và biết đi.

Thường xuyên dạy bé tập đếm

Khi bé bắt đầu biết đi, biết chơi và biết nói, bố mẹ có thể dạy bé tập đếm. Đơn giản thôi nhé!
Dạy bé ôm từng người trong gia đình và đếm xem có tất cả bao nhiêu thành viên.
Bé ăn hoa quả hoặc bánh kẹo, để bé cầm và đếm từng quả một.
Bé đi chơi trên phố, dạy bé đếm từng cái cây…
Khi bé được 3 – 4 tuổi, bé sẽ đếm được trong nhà có bao nhiêu bóng đèn, bao nhiêu bát đũa, bao nhiêu cửa sổ, giường tủ…
Lưu ý, khi học đếm, bố mẹ nên để cho bé cùng một lúc: đếm bằng miệng, mắt nhìn, tay hoạt động. Sau khi đếm xong, mẹ dạy bé nói lại tổng số có bao nhiêu đồ vật. Khi mới học, bố mẹ cần cổ vũ bé bắt chước đếm giống bố (hoặc mẹ) như khi bé bắt đầu học nói.

Dạy bé so sánh

Cùng với việc học đếm, mẹ hãy dạy bé cách so sánh những đồ vật có sự khác biệt rõ ràng: ngắn – dài, cao – thấp, béo – gầy, to – nhỏ, dày – mỏng, rộng – hẹp, xa – gần, nặng – nhẹ…

Nhận biết hình học

Khi bé được 2 tuổi, hãy lấy bút màu hoặc phấn, vẽ và chỉ cho bé xem các hình khối, dạy bé hình dạng, đặc điểm của các hình học như hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật. Tùy theo khả năng tiếp thu của từng bé để bố mẹ điều chỉnh dạy các hình từ dễ tới khó.

Bố mẹ nên cho bé làm quen với hình học qua các đồ chơi thông minh
Thường xuyên chỉ cho bé hoặc hỏi bé các đồ vật trong nhà có hình gì hoặc những đồ vật nào trong nhà có hình vuông, hình tròn hoặc hình tam giác.
Đến ba tuổi, bé có thể phân biệt quả bóng hình tròn và quả trứng gà hình bầu dục.

Chia đồ vật

Mẹ mua một gói kẹo về. Trước khi ăn kẹo, mẹ hãy bảo bé đếm xem có bao nhiêu kẹo và trong nhà có bao nhiêu người. Hỏi bé, mỗi người được ăn bao nhiêu kẹo. Có thể dạy bé: lấy 1 kẹo mời 1 người lớn, chia đều cho đến khi tất cả các thành viên trong gia đình đều cầm kẹo. Nếu vẫn còn kẹo, bé tiếp tục quay lại chia vòng 2.
Có thể áp dụng cách chia này khi cả nhà ăn hoa quả, bánh, uống sữa…

Làm quen với chữ số

Bố mẹ cho bé làm quen với chữ số bằng cách so sánh, liên tưởng đơn giản và dễ nhớ nhất.
Các chữ số nhiều màu sắc, liên quan tới đồ vật hàng ngày sẽ rất thu hút bé
Ví dụ: số 1 giống như chiếc roi đánh bé hư, số 2 như con vịt đang bơi, số 3 giống như cái tai ngoan của bé hay nghe lời, số 4 giống như lá cờ bay phấp phới, số 5 giống như chiếc móc câu có nét ngang trên đầu, số 6 giống quả lê có cuống xinh xinh, số 7 giống chiếc gậy biết đi, số 8 giống củ cà rốt thật to, số 9 giống quả lê quay ngược đầu, số 10 là chiếc roi đánh bé hư và có thêm 1 quả trứng.

Nhận biết các con số
Đưa bé đi xem xiếc hoặc xem kịch, ca nhạc dành cho tuổi mẫu giáo, mẹ hãy giảng giải cho bé về vị trí chỗ ngồi và số ghế ghi trên vé. Khuyến khích cho bé dẫn bố mẹ đi tìm chỗ ngồi.
Nam Hải
(Tổng hợp)

Phương pháp giúp bé học toán

phuong phap giup tre hoc toan
Phương pháp giúp bé học toán

Khi con bạn chuẩn bị bước vào lớp một, bạn đã sẵn sàng để giúp bé bắt đầu với môn toán, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Bài viết này sẽ cho bạn một số cách để có thể giúp bé học toán nhanh và hiệu quả chứ không phải là khiến bé chán khi mỗi lần học toán.

1. Động viên và khích lệ bé: Điều gì khiến bạn hứng thú khi học toán? Hãy nghĩ đến chúng và nói với bé. Toán là môn học tư duy và sáng tạo, sách vở chỉ là một phần. Chính bạn sẽ là người truyền cảm hứng cho bé mỗi khi học toán.

2. Dạy trẻ tập đếm bằng những thứ đơn giản nhất: Bạn có thể sử dụng những tấm thẻ hay những chiếc que để bé tập đếm và trả lời các câu hỏi mà bạn đưa ra. Hãy cho bé tập đếm với những ngón tay trước để phòng trường hợp không có vật để sử dụng khi tập đếm.

3. Giảng cho bé về các khái niệm và nguồn gốc cơ bản, chứ không chỉ học thuộc lòng:Học thuộc lòng có thể sẽ có rất nhiều tác dụng, nhưng nó sẽ có tác dụng hơn nếu trẻ biết được nguồn gốc và chức năng của môn toán trong đời sống. Bằng cách này, bé sẽ bắt đầu biết áp dụng những kiến thức toán học vào nhiều điều hơn là trong sách vở. Điều này sẽ giúp bé khi học đến những bài toán nâng cao và phức tạp hơn.

4.  Luôn luôn chắc chắn rằng trẻ đã hiểu hoàn toàn của bài này trước khi chuyển sang bài khác: nếu bạn bỏ qua một chi tiết nào đó trong bài toán, dù nhỏ, nó sẽ làm cho trẻ bối rối và nhầm lẫn, nhiều khi là không hiểu rõ về bài toán. Như vậy sẽ rất khó cho trẻ để làm tốt các bài tập khi bạn giao.

5.  Cách chơi trò chơi về toán với những đồ vật xung quanh bạn: Hãy lấy ví dụ từ những vật đơn giản nhất như: cái bàn, bức tranh, bông hoa. Hãy để trẻ đếm các bức tranh trong các phòng và thực hiện phép cộng trừ với chúng. Cách học này khiến bé có cảm giác thoải mái và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của bé.

6. Tặng những phần thưởng cho trẻ: Vào cuối những giờ học, bạn nên thưởng cho bé một món quà. Phần thưởng là những cái kẹo, cây kem hay đơn giản hơn là ôm bé vào lòng và động viên bé rằng hôm nay bé đã thông minh và giỏi như thế nào, giúp bé tăng thêm sự tự tin và giúp bé phấn đấu làm tốt hơn.

7. Dạy bé với một tôc độ phù hợp: Hãy dành thời gian ngồi với bé hàng ngày hoặc ít nhất là 2 lần 1 tuần để cùng học với bé. Đừng bao giờ quên: Hãy giữ cho buổi học vui vẻ và thoải mái!

8. Cùng thực hành toán với bé khi bạn với bé ở bất cứ đâu: Giả dụ bạn đi chợ, bạn có thể hỏi bé những câu đơn giản như: Mẹ có 10000đ, mua rau cho Tí ăn hết 5000đ, hỏi mẹ còn mấy nghìn đồng. Điều này sẽ giúp tạo nên sự kết nối trong trí óc của trẻ để trẻ tốt hơn trong môn toán.

9. Và cuối cùng, không bao giờ bỏ cuộc: Việc dạy trẻ học toán không phải là một việc nhanh chóng và dễ dàng. Bạn không nên vội vàng, hãy từ từ, rồi các kiến thức sẽ dần dần tự ngấm vào trẻ. Kể cả trường học là nơi dạy cho bé kiến thức, bạn vẫn là một nhân tố quan trọng không thể thiếu.Vì thế, không được bỏ cuộc.

Một số mẹo giúp bạn cùng bé học toán dễ hơn:

- Không được nổi giận nếu trẻ có trả lời sai những câu hỏi mà bạn đưa ra! Việc nghĩ mọi thứ theo hướng lôgic luôn quan trọng hơn việc trả lời đúng hay sai.

- Đơn giản hóa mọi thứ bạn có thể! Trẻ nhỏ chưa thể học được những gì quá phức tạp. Hãy kiên nhẫn và không bao giờ dạy cho trẻ nhanh hơn so với chương trình trẻ học.

- Không được học chậm quá mức! Nếu bạn cứ dừng chân lại mãi ở một bài thì sẽ làm cho bé chán và mất hứng học. Hãy điều chỉnh tốc độ học của bé một cách hợp lý nhất nhé !